Sáng 2/12/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Phạm Văn Tòng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi tỉnh Bình Phước”. Thạc sĩ Tôn Ngọc Hạnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước làm chủ nhiệm đề tài.
Nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi tỉnh Bình Phước”
Theo báo cáo kết quả đề tài, đối tượng nghiên cứu văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi có độ tuổi từ 6 đến 30. Phạm vi nghiên cứu đề tài trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá những tác động của văn hóa đọc đối với việc phát triển nhân cách, nâng cao trình độ, kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ cho thanh thiếu nhi; đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa đọc trong đối tượng thanh thiếu nhi từ năm 1997 đến nay và chú trọng nghiên cứu văn hóa đọc trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng phát biểu tại cuộc họp.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 417.000 người là thanh thiếu nhi. Trong đó, thanh niên trên 270.000 người (chiếm 29,52% dân số và 51,07% lực lượng lao động), thiếu nhi có trên 147.000 người (chiếm 17% dân số toàn tỉnh). Qua khảo sát, nghiên cứu văn hóa đọc tại 16/20 huyện, thị đoàn, cơ sở đoàn trực thuộc và một số đơn vị khác cho thấy: Phần lớn thiếu nhi có nhận thức khá tốt về tầm quan trọng của việc đọc, các em đánh giá cao sự quan trọng của việc đọc sách (94,1%). Đa số thiếu nhi cho rằng, đọc là nhu cầu giúp bản thân nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, tự học tốt hơn (95,6%); trong đó có 79,3% các em cho rằng thật sự giải trí khi đọc và khẳng định sách, báo là nguồn tài liệu tri thức rất quan trọng và vô tận; đồng thời đọc để tích lũy tri thức, kinh nghiệm, tỷ lệ này lần lượt là 81,4% và 85,6%.
Chủ nhiệm đề tài chụp hình lưu niệm với các thư ký đề tài.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phạm Văn Tòng đánh giá cao đề tài. Ông cho rằng đây là đề tài được các hội đồng thành viên cũng như các nhà khoa học tham gia nghiên cứu sâu sát, công trình nghiên cứu có tính khách quan cao. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Phạm Văn Tòng cũng đề nghị chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và các thành viên trong hội đồng khoa học để hoàn thiện đề tài./.
Ý kiến bạn đọc