CÂU LẠC BỘ CỒNG CHIÊNG BÌNH MINH - NƠI LƯU GIỮ MẠCH NGUỒN ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG

Cồng chiêng là loại nhạc cụ gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt cuộc đời mỗi con người và trong hầu như tất cả sự kiện quan trọng của cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng bao gồm các bộ phận như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội sử dụng cồng chiêng và cả những địa điểm tổ chức các lễ hội đó… Nhằm đoàn kết tập hợp thanh niên và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, câu lạc bộ cồng chiêng Bình Minh đã ra đời.
Lễ hội cồng chiêng tại thôn Bom Bo xã Bình Minh
CLB có 15 thành viên là đoàn viên thanh niên dân tộc S’tiêng tại xã Bình Minh. Các thành viên trong CLB đều nhiệt tình, đam mê với cồng chiêng, có thể diễn tấu được nhiều bài chiêng truyền thống, được giới chuyên môn đánh giá cao bởi nghệ thuật diễn tấu nhuần nhuyễn, uyển chuyển, có hồn…Có được kết quả này, CLB đã mất không ít tâm sức để chọn lọc, tập hợp thành viên và trải qua một thời gian tập luyện kiên trì, mỗi khi bắt tay vào luyện tập, các thành viên đều rất nhiệt tình, đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm với nhau. Không chỉ chú trọng việc tập luyện, biểu diễn, CLB còn quan tâm đến việc bồi dưỡng, truyền dạy đánh cồng chiêng cho các em thiếu nhi có năng khiếu và đam mê nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Dù mới được thành lập không lâu nhưng CLB cồng chiêng Bình Minh đã dần khẳng định được mình và liên tục được mời biểu diễn tại các sự kiện lớn, nhỏ do địa phương tổ chức, để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Từ việc huy động lực lượng đoàn viên thanh niên là người đồng bào dân tộc S’tiêng cùng chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộcthông qua nhạc cụ truyền thống đã góp phần tăng tính bền vững trong việc bảo tồn văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc và lưu giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống.

Tác giả bài viết: TN